Đối thoại tuổi 20 kỳ này là những chia sẻ từ giáo sư Phan Văn Trường (sinh 1946) về lý tưởng sống, khát vọng cống hiến một thời tuổi trẻ của ông.
Giáo sư Phan Văn Trường là cựu học sinh Trường Jean – Jacques Rousseau (nay là THPT Lê Quý Đôn TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp, ông qua Pháp học và theo đuổi lĩnh vực cầu đường. Ông đã và đang là lãnh đạo cấp cao của nhiều tập đoàn lớn. Ông được tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Đài ghi công (1990), Huân chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh (2007)… Với nhiều đóng góp cho giáo dục VN, ông được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục (2010). Hiện tại tuy định cư ở nước ngoài nhưng ông vẫn nhận giảng dạy tại ĐH Kiến trúc TP.HCM và Viện John Von Neumann (thuộc ĐHQG TP.HCM). |
Giáo sư Trường từng là cố vấn Chính phủ Pháp và góp phần tham gia tái cấu trúc nền điện lực thế giới vào cuối những năm 1980.
“…Thật ra với tôi việc học lại tiếng Việt những ngày đầu về lại quê hương rất vất vả. Còn nhớ cách đây 10 năm khi đi thỉnh giảng tại ĐH Kiến trúc TP.HCM, tôi thường bị sinh viên than phiền vì họ chỉ hiểu được 70% điều tôi nói dù rất hứng thú với kiến thức được học. Tôi thường phải xin lỗi họ và từng rất mặc cảm về điều này.
Sau đó tôi quyết tâm phải khắc phục điểm yếu trên và nỗ lực học lại tiếng Việt mọi lúc mọi nơi. Tôi cố gắng vừa viết, vừa đọc, vừa tra từ điển và học từ chính sinh viên của mình”.
* Xin lỗi sinh viên và chấp nhận học hỏi từ họ? Điều ông làm dường như đi ngược với văn hóa ứng xử chung của người lớn đối với người trẻ ở VN…
– Gần như cả thế giới, đặc biệt các quốc gia phát triển, đều biết nói hai từ “xin lỗi” và tôi tin mình có thể học từ bất kỳ ai. Một xã hội tiến bộ là nơi mọi người ứng xử một cách thẳng thắn, khách quan với nhau.
Lời xin lỗi, nhún nhường trước người có vai vế thấp hơn không làm mất sĩ diện, mà trái lại khẳng định chúng ta là người có liêm sỉ và đáng được tôn trọng. Hành động nhân văn, cấp tiến này sẽ giúp xã hội đoàn kết hơn.
Cá nhân tôi cho rằng lời xin lỗi đúng đắn cũng là một kỹ thuật thương thuyết quan trọng khiến “đối phương” mở lòng và cũng giúp bản thân mình vui, nhẹ nhõm.
Khi người lớn nhận sai và xin lỗi trẻ nhỏ thì đó cũng là lúc chúng ta đang giúp trẻ học về sự công bằng, chính trực… là những yếu tố thúc đẩy xã hội tiến bộ.
* Việc gầy dựng sự nghiệp nơi xứ người của giáo sư ắt hẳn không dễ dàng?
– Kiếp người Việt ở nước ngoài cực nhọc vô cùng. Ở nước sở tại mà được họ chấp nhận đã là điều may mắn. Dù người Pháp khẳng định không kỳ thị nhưng họ vẫn bênh vực, coi trọng dân bản xứ hơn, điều này là hiển nhiên và không có gì phải trách cứ.
Chẳng hạn trong công việc, dù năng lực tốt ngang nhau nhưng cơ hội mình được chọn, thăng tiến thấp hơn người Pháp. Đây là một ví dụ căn bản.
Có thể nói cả cuộc đời tôi phải tiến lên từng nửa bước một.
Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng và cố gắng hết sức, không được nản lòng.
Xã hội luôn cần người có khả năng. Người ta có thể ghen tức, đạp đổ… nhưng cuối cùng những người không ngừng cố gắng chắc chắn sẽ có chỗ đứng xứng đáng trong xã hội. Các bạn trẻ hãy tin vào điều đó.
* Trong cuốn Một đời thương thuyết, khi nhắc về giai đoạn tham gia nhóm tái cấu trúc nền điện lực thế giới, ông ghi “từng nghĩ trên mình chỉ còn trời với mây”…
– Tôi từng để bản thân chao đảo và lầm tưởng mình như ông phù thủy đầy quyền thế. Đã là con người làm sao tránh được những phút yếu đuối, tự mãn?
May mắn là xung quanh tôi luôn có nhiều bạn bè, họ nhắc nhở và giúp tôi tỉnh táo.
Nhìn lại, tôi đúc kết được lời khuyên cho chính mình cũng như các bạn trẻ: thành công của mình luôn được vun đắp từ thành công của những người khác, chẳng ai có thể thành công khi đứng một mình một cõi, vì vậy đừng nên tự mãn.
Chẳng hạn như chiếc iPhone, đó là kết tinh từ những nhà thiết kế tài ba, những nhà khoa học xuất chúng, các kỹ sư lành nghề… Nếu thiếu một trong những con người này, những đóng góp khác có thể trở nên vô nghĩa.
* Ông có từng thất bại?
– Tôi gặp vô số thất bại trong đời, phần lớn là do sự chủ quan. Nhưng định nghĩa thành công – thất bại trong tôi có chút khác biệt lẽ thường.
Còn nhớ những lần đi thương thuyết và giành được dự án lớn nhưng tôi cảm nhận bên kia có sự uất ức, ai oán… liệu đó có là thành công thật sự? Còn có những lần tôi thua cuộc dù đã cố gắng hết sức nhưng bản thân vui vẻ đón nhận vì biết rằng đối thủ có khả năng cao hơn.
Thua như thế đâu phải là thất bại, mà phải mừng vì đã có thêm một trải nghiệm quý.
Có lẽ văn hóa vật chất chi phối và khiến con người ám ảnh hai chữ thất bại, đánh đồng không giàu nghĩa là thất bại. Riêng tôi hễ được cống hiến, được sống với đam mê, được nhìn nhận… là tôi đã hạnh phúc và thấy thế là thành công. Giàu có không nên là tiêu chuẩn đánh giá sự thành công.
* Đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” nhưng vì sao ở ông lúc nào cũng tràn đầy năng lượng?
– Khái niệm “tuổi trẻ”, “tuổi già”… chỉ có tính tương đối. Tôi luôn cảm nhận mình như một người đàn ông 38 tuổi, vừa có sự từng trải cần thiết nhưng máu làm việc vẫn cuồn cuộn bên trong.
Tôi không băn khoăn về chuyện tuổi tác mà thường nghĩ về việc mình còn cống hiến được gì cho xã hội? Nếu một ngày nào đó không còn ai liên lạc công việc nữa, có lẽ cuộc sống của tôi lúc đó sẽ rất trống rỗng, vô vị. Tôi muốn sống một cuộc sống thật sự để không bao giờ phải hối tiếc.
Gần 15 năm từ ngày trở về VN, tôi ít khi gặp được những bạn trẻ sống ý nghĩa, mãn nguyện thật sự với cuộc sống của họ.
Phải chăng họ đang không đuổi theo đam mê hoặc mông lung với con đường đang đi? Tôi suy nghĩ nhiều về điều này nhưng không biết họ có nghĩ đến điều đó không?