GS. Phan Văn Trường học ngành cầu đường, khởi đầu sự nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn, rồi chuyển sang kinh tế, đối ngoại, đến quy hoạch, xây dựng điện công nghiệp, thương mại quốc tế tại Pháp, Malaysia. Sau khi về hưu, ông giảng dạy ở Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM và làm cố vấn cho nhiều trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam. Giáo sư là một trong số rất ít công dân Pháp gốc Việt được phong tước Chevalier de la Légion d'Honneur - một loại bảo quốc huân chương của Pháp.
Những thông tin trên về GS. Phan Văn Trường, về một người thường được gọi hay nhắc đến bằng một từ thể hiện sự kính trọng và ái mộ là “thầy”, ai cũng có thể tìm được trên Internet. Vậy vì sao người viết lại gọi ông là “giáo sư dạy vỡ lòng”?
Theo khẩu ngữ thì từ “vỡ lòng” chỉ việc bắt đầu học một nghề nào đó. Còn “dân ngữ” thì thường dùng cụm từ “trình độ vỡ lòng” chỉ tình trạng một người chưa có chút hiểu biết nào, hoặc hiểu rất ít về một lĩnh vực, một vấn đề nào đó. GS. Trường chính là người “đứng lớp” cho những người ở “cấp vỡ lòng” trong một chương trình gọi là “hệ sinh thái Cấy Nền”.
Từ tự tay Cấy Nền…
Cấy Nền được GS. Phan Văn Trường khởi xướng từ tháng 5/2019, từ ý tưởng tạo một lớp học rất ngắn (hai ngày), cung cấp cho người học những kiến thức nền tảng về một số vấn đề trong cuộc sống, ngoại trừ chính trị, tôn giáo và chủng tộc.
Với sứ mệnh Cấy Nền, tại các khóa học này, GS. Trường chia sẻ những kiến thức và khái niệm cơ bản và hướng dẫn cặn kẽ để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Qua hơn hai năm, đến tháng 9/2021, GS. Phan Văn Trường đã Cấy Nền hơn 100 buổi ở nhiều tỉnh, thành trong nước và ở nước ngoài, về các đề tài từ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp sạch, văn hóa phát triển, đến y tế, giao thương, rồi chuyên ngành như pháp lý, marketing, truyền thông; cả những chủ đề không có trong bất cứ sách giáo khoa nào như phụ nữ, yêu thương, gia đình, từ thiện…
Tác phẩm Một đời như kẻ tìm đường của GS. Phan Văn Trường cũng có thể xem là một phần trong hệ sinh thái Cấy Nền. Trong sách, GS. Phan Văn Trường chia sẻ những câu chuyện, những bài học và hành trình đi đến hạnh phúc một cách hồn nhiên và chân thực – đúng như cách ông truyền giảng trong các lớp Cấy Nền.
Giáo sư viết cho người trẻ: “Thành công bắt buộc sẽ tới với các em, vì xã hội ngày nay vô cùng tích cực. Ai ai cũng cần thành công của người khác để chính mình thành công. Đó là ý nghĩa của toàn cầu hóa và của làm việc nhóm. Vậy chính các em cần ý thức phải hỗ trợ cho người khác thành công để rồi chính mình thành công. Ngày hôm nay không còn thành công nào là cá nhân nữa. Các em hãy làm ngay đi để đừng bao giờ phải hối tiếc. Thời gian không bao giờ trở lại, cơ hội sẽ lướt qua nếu mỗi chúng ta không cố gắng hết sức mỗi lúc. Và muốn có được tác phong đó, chúng ta phải biết yêu nghề và biết đam mê, yêu loài người, yêu chủng tộc, yêu người đi trước cũng như rộng lượng sẻ chia với người đi sau”.
Khái niệm về toàn cầu hóa, ý nghĩa của làm việc nhóm và cách thức hợp tác chưa bao giờ được giải thích một cách đơn giản hơn, cụ thể hơn mà sâu sắc hơn thế.
…Đến tạo sân chơi cho bao người cùng Cấy Nền
GS. Phan Văn Trường kể về ý tưởng Cấy Nền: “Trong một lần đi dạy, vô tình lớp của thầy ở gần một lớp “dạy làm giàu” mà giảng viên là một thanh niên chưa tới 30 tuổi. Tìm hiểu, thầy được biết học phí của khóa học đó lên tới gần 30 triệu đồng cho ba ngày học. Rồi khi tìm trên mạng cũng thấy nhan nhản những tin “chiêu sinh” cho những khóa học dạy “bí quyết” đủ các lĩnh vực, với học phí tương đương. Thầy thấy không ổn”. Và đó là một trong những lý do ra đời Trường Vũ Trụ để chia sẻ tri thức miễn phí tới những ai muốn tự học, cùng với sự lan tỏa của Cấy Nền Radio (kênh phát thanh của hệ sinh thái Cấy Nền do Đặng Thu Hằng sáng lập ngày 16/3/2020).
“Những “cánh chim cuối đàn” còn đông lắm. Họ chỉ muốn vỡ lòng thôi. Tôi thấy mình có bổn phận tạo nên một nơi nào đó để phổ cập cho họ, cung cấp kiến thức cơ bản, cho họ hiểu về những khái niệm và cách thức đơn giản nhất để bắt đầu một việc nào đó, ví dụ như thị trường chứng khoán là gì, nấu phở tại nhà khác nhà hàng như thế nào, cách nào để hòa nhập vào môi trường sống mới… Người dạy sẽ chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm của mình, kể về những thất bại và bài học của mình. Ví dụ nghề làm báo có cái gì phải tránh, cái gì sẽ đưa đến thất bại, cái gì làm nên thành công. Hoặc nghề MC có nhiều hệ lụy mà người khác không biết. Phổ cập những kiến thức vỡ lòng thôi, để người nghe xác định bản thân có thực sự thích một nghề nào đó không, có đủ khả năng để theo đuổi không, sau đó mới quyết định đi học, học trong nhà trường một cách bài bản”, giáo sư chia sẻ.
Đáng quý ở chỗ, những trải nghiệm mang tính cá nhân, từ những khó khăn, thất bại đến thành quả và cả những lo lắng, hoảng sợ, sung sướng, hạnh phúc hay bình an rất thật của người dạy là những điều mà người tham dự Cấy Nền Radio không thể tìm thấy trong bất cứ sách vở, giáo trình nào, thậm chí không có cơ hội để tiếp cận “người dạy” trong đời sống thực.
Tại những khóa học này của GS. Phan Văn Trường, người dạy không được trả phí, người học không phải đóng phí, và càng nhiều người tham gia, càng nhiều người chia sẻ nội dung của khóa học càng tốt. Và vẫn cứ bình đẳng, hồn nhiên, thẳng thắn, tích cực – bốn chữ vàng của hệ sinh thái Cấy Nền.
Giáo sư khuyến khích: “Bạn có gì muốn dạy, tôi sẵn sàng mở lớp. Tôi sẽ đứng bên cạnh giúp tạo nên chương trình, tại sao là đề tài này, khách mời kia… Tôi sẽ mời những người đã làm rồi, đã thành công rồi, đã thất bại rồi và cam kết nói thật. Mong chúng ta cùng có ý thức khi mình có giá trị nào đó thì nên chia sẻ với người khác”.
Với tâm nguyện tạo ra thật nhiều giá trị đóng góp cho đất nước, GS. Phan Văn Trường và hệ sinh thái Cấy Nền đang tập trung tổ chức Trường Vũ Trụ với chủ đề đa dạng: quản trị, tài chính, pháp lý, ngoại ngữ, ẩm thực, thảo dược, thương thuyết, marketing… “Thầy mong đủ sức khỏe để có thể làm vài nghìn số Cấy Nền Radio, đồng hành lâu dài cùng Trường Vũ Trụ” là chia sẻ của vị học giả, một doanh nhân uy tín, một nhà thương thuyết được ngưỡng mộ, đã đi Đông đi Tây và luôn tự hào khi nhận mình là người Việt Nam – GS. Phan Văn Trường.