NXB Trẻ vừa tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt cuốn sách “Không có sông quá dài” của GS. Phan Văn Trường. Cuốn sách còn có sự góp mặt của gần 30 tác giả, họ là những người đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để khởi nghiệp thành công và tạo ra giá trị cho xã hội.
Sách gồm hai phần. Phần 1 là những chia sẻ quý giá về khởi nghiệp của GS. Phan Văn Trường – chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, tác giả của những cuốn sách bestseller: Một đời thương thuyết, Một đời như kẻ tìm đường, Một đời quản trị, Công dân toàn cầu công dân vũ trụ, Cơn lốc quản trị – ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp…
Phần 2 là 27 câu chuyện về trải nghiệm có thật của những người khởi nghiệp, có thành công và cũng có thất bại. Họ có những xuất phát điểm rất khác nhau: Có người khởi nghiệp sau khi về hưu; có người bắt đầu với một sản phẩm nhỏ, được nhiều người xung quanh ưa thích; có người nhìn ra cơ hội kinh doanh từ sở thích của mình…
Những nhà sáng lập chia sẻ trong cẩm nang này thuộc nhiều ngành nghề khác nhau: Ẩm thực, dược liệu, cơ điện, giáo dục, thực phẩm, du lịch, dịch vụ marketing, thời trang, nông nghiệp, sản phẩm xanh…
Sách có thể xem là cẩm nang quý giá của những người khởi nghiệp, với những việc phải làm và những điều nên tránh. Thông điệp của sách “Khởi nghiệp là một quá trình gian khó. Nhưng không có dòng sông nào là quá dài, thế nên bạn đừng bỏ cuộc giữa chừng, đừng nản chí khi gặp thất bại. Hãy kiên trì, rồi chúng ta sẽ đạt đến thành công”. Thông điệp này không sáo rỗng vì tiếp ngay sau đó là những bài viết chứng minh tinh thần “thất bại thì làm lại” của những nhà khởi nghiệp chia sẻ trong cuốn sách.
Cuốn sách này không phải là “hướng dẫn làm giàu nhanh”, ngược lại sẽ bác bỏ quan niệm của nhiều bạn trẻ cho rằng họ có thể thành công nhanh chóng với những sản phẩm ảo hay không, với những phương pháp bán hàng hời hợt hay gian xảo, để tạo nên kết quả vẽ vời không thực. GS. Phan Văn Trường bày tỏ nỗi “sợ” rằng các ứng viên khởi nghiệp hiểu sai bản chất khởi nghiệp, bắt đầu bằng tâm thế sai, để rồi những bước tiếp theo cũng sai và mất trắng vốn đầu tư lẫn sức khỏe, tinh thần…
Cuốn sách đề cao quan niệm: “Người khởi nghiệp có thái độ đúng thì toàn xã hội sẽ ủng hộ”, bởi lẽ “Công cuộc nào trong cuộc sống cũng là giữa người với người. Người mà thuận thì công cuộc nào cũng thành công. Mọi lý luận khác đều mang tinh vật chất và cục bộ, và không sớm thì muộn, sẽ đưa tới thất bại.”
GS. Phan Văn Trường chia sẻ: “Tinh thần của sách không có sông quá dài… là tạo sự tự tin và sự kiên trì (cho các đồng tác giả). Nhưng các tác giả ở đây là thế hệ của những người trẻ đã lớn lên và ý thức được mình phải khởi nghiệp, rồi bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn. Bài toán này, ai ai cũng phải đi qua, vì nó sẽ giúp cho các bạn trẻ hiểu được giá trị của mình, sở trường cũng như sở đoản. Các bạn trẻ sẽ phải dùng đến cả trí tuệ lẫn nội lực trong hành trình tạo dựng sự nghiệp. Cuộc sống muốn như thế, và ta cũng nên làm theo ý như thế. Cứ nhìn nước sông lững lờ nhưng sâu thẳm, nhưng rồi bạn ạ, sông nào cũng sẽ ra biển lớn. Người khởi nghiệp cũng vậy, cứ lững thững mà tiến bước, giống như dòng nước sông, lúc trôi mau, lúc lững lờ, lúc êm lướt, lúc sóng cuộn; rồi sau này ai cũng có nghề có nghiệp, có đúng thế không? Có đi chậm thì mới đi xa, ở đây hành trình tạo dựng sự nghiệp là một chuỗi ngày dài, chẳng thể vội. Hãy bắt chước dòng sông, lợi dụng những chỗ hõm của địa thế để tìm cơ hội”.
Ông Nguyễn Thành Nam (Tổng Biên tập, Phó Giám đốc NXB Trẻ) cho biết, khi đọc cuốn sách ông rất bất ngờ và thú vị với những lời kể của gần 30 tác giả. “Trước đây, NXB Trẻ làm nhiều sách khởi nghiệp nhưng đây là cuốn sách có gần 30 tác giả chia sẻ trong 1 cuốn sách. Đó là những câu chuyện về chuyện thật, những thất bại, những bài học, kinh nghiệm mà họ đã trải qua. Cuốn sách này giúp bạn trẻ hiểu về khởi nghiệp và cho các bạn biết rằng, muốn khởi nghiệp đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực thì mới thành công”, ông Nam nói.