Ngày 22-6, giáo sư Phan Văn Trường (người sáng lập Hệ sinh thái Cấy Nền) đã có buổi gặp gỡ và giao lưu với chủ đề ‘Tôi là ai?’ tại TP.HCM.
Buổi giao lưu có hơn 200 người thuộc nhiều ngành nghề tham dự, lắng nghe chia sẻ và hào hứng đặt câu hỏi đến giáo sư Phan Văn Trường.
Đa số các câu hỏi đều xoay quanh chủ đề “Làm sao để cho người trẻ sống trong thời đại đầy thông tin ngày nay có thể tìm kiếm được bản thân?”, “Làm thế nào để người trẻ có tính phản biện hay dung nạp?”…
Giá trị của con người là cái cho đi
Giáo sư Phan Văn Trường cho biết trong cuộc sống của mỗi người chỉ có những câu hỏi thường xuyên lặp lại 5 câu hỏi như: tại sao, như thế nào, để làm gì, cho ai, giá phải trả là bao nhiêu. Và khi tự bản thân mỗi người trả lời được những câu hỏi này, sẽ có cái nhìn rộng hơn về những thứ đang làm.
“Tôi nhận thấy căn tính người Việt Nam biết rõ chính mình, thông minh, hiếu học, chăm chỉ, chuyên cần, hiếu thảo, lễ độ… nhưng vẫn tự hỏi ‘Mình là ai?'” – ông nói.
“Giá trị của con người là cái gì mình cho, chứ không phải là cái gì mình giữ. Và mình là ai khi mình tạo ra giá trị để cho, chứ không phải cho chính bản thân. Bạn giàu bao nhiêu kệ bạn, nhưng bạn biết giúp người thì cái đó mới tạo ra giá trị” – giáo sư Trường nói.
Giáo sư Phan Văn Trường cũng cho biết để có thể né những cuộc tranh luận giữa những người có tư tưởng bảo thủ thì cần thay đổi cách nói, không khẳng định mà chỉ nên đưa ra kết luận tạm thời có khả năng đúng, khiêm tốn.
Cần có khả năng lập luận để tạo nên vị thế
Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ: “Khả năng lập luận của mình tạo nên vị trí, vị thế. Khi mình không có khả năng lập luận, sẽ không tạo ra giá trị cộng hưởng. Nếu lặp lại những gì người ta đã làm như thuộc lòng, đó xem là thái độ đạo văn.
Thời kỳ của AI giúp cho sự thuộc lòng càng mạnh hơn. AI cho phép lặp lại những cái đã làm, chính xác và tốc độ.
Chúng ta sẽ là nô lệ của AI nếu sống trong tinh thần trực giác (tinh thần học thuộc lòng). Hoặc chúng ta sẽ là chủ của AI nếu chúng ta có thái độ phát triển tư duy sâu, rộng và có ích cho cộng đồng. Tôi là ai không quan trọng. Khả năng xây dựng thêm giá trị mới là quan trọng”.
Trong cuộc gặp gỡ này, ông định nghĩa vùng an toàn là luôn phải đi ra, khám phá, chiến đấu, nghiên cứu, để tạo ra giá trị. Và phải nên tạo giá trị bằng lý trí, sự tự tại và kính trọng của người trí thức.
Ông cũng cho biết trong Hệ sinh thái Cấy Nền, ông thường đưa ra những đề tài mới lạ để người tham gia hoạt động nhóm, tăng khả năng tư duy, phản biện nhằm giúp các bạn mạnh dạn hơn.