Không cần chạy theo phong trào, cứ làm sản phẩm tử tế và tìm đúng người cần, thế nào cũng bán được hàng, GS Phan Văn Trường nói với các bạn trẻ tại Mekong Startup.
Tại tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời đại 4.0”, chiều 15/11, GS Phan Văn Trường đã chia sẻ nhiều bài học về khởi nghiệp mà ông đúc rút từ quá trình làm việc, quan sát. Giáo sư là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh năm 2007. Ông cũng xuất bản nhiều cuốn sách về đàm phán, thương thuyết, mang lại những giá trị hữu ích cho người đọc.
Mở đầu các chia sẻ của mình, giáo sư Trường cho rằng ông nhận thấy một thực tế là nhiều bạn trẻ hay phức tạp hóa vấn đề. “Nhiều người cứ nghĩ khởi nghiệp phải làm một cái gì đó cầu kỳ. Thực ra càng cầu kỳ thì càng phức tạp, càng khó, nhưng kết quả chưa chắc đã như ý”, giáo sư nhận xét.
Ông cho rằng việc khởi nghiệp vẫn rất cần sự hỗ trợ sâu sắc của công nghệ nhưng quan trọng nên khởi nghiệp một cách tự nhiên. Ông cho biết mình đã gặp và chứng kiến rất nhiều startup khởi nghiệp một cách tự nhiên và tất cả đều thành công. “Khởi nghiệp tự nhiên mới là khởi nghiệp thành công”, giáo sư nhấn mạnh.
Vậy khởi nghiệp tự nhiên là gì? Theo giáo sư, đó chính là khởi nghiệp một cách thuận theo quy luật phát triển của tự nhiên, không cần phải cầu kỳ phức tạp mà cần dựa vào điểm mạnh và đặc trưng của mình, và cho thị trường thấy được điểm đặc trưng của mình.
Ông phân tích, mỗi chúng ta sinh ra đều là một phiên bản duy nhất. Vì thế, nếu các bạn trẻ khởi nghiệp cứ nhìn và chạy theo người khác, như bán cái người khác có mà mình không có sẽ rất khó khăn. “Đôi khi các bạn cứ nghĩ rằng mình phải ganh đua. Thực ra nếu mình làm cái gì ‘ra hồn’ thì cái gì cũng bán được, cũng có khách hàng, cũng tìm ra thị trường”, giáo sư chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khẳng định được giá trị đặc trưng trong các sản phẩm.
“Vũ trụ rất thú vị, có thể tạo ra ở nơi chúng ta những điều mà vũ trụ không tạo ra ở nơi khác. Hiểu được sự khác biệt giữa các nơi, chúng ta có thể tạo ra thị trường bền vững cho chính mình”, giáo sư chiêm nghiệm.
Giáo sư cho biết, khi nhìn vào bức tranh tổng thể về khởi nghiệp của các thanh niên trẻ, ông có cả cảm giác bi quan và lạc quan. Ông bi quan vì các bạn trẻ thường “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Đồng thời giáo sư cũng lạc quan khi Việt Nam có nhiều sản phẩm mà các nơi khác không có, nhiều sản phẩm Việt Nam sản xuất ra chưa đủ 1-10% nhu cầu thị trường thế giới. Giáo sư dẫn chứng thêm về đặc sản sen của Đồng Tháp. Ông cho biết thế giới đang có nhu cầu về hoa sen gấp hai 20 lần số hoa sen mà toàn thế giới có thể sản xuất. “Hoa sen không khó bán mà chỉ là chúng ta chưa tìm ra khách hàng cho hoa sen”.
Vậy làm sao tìm khách hàng? Giáo sư đặt ra câu hỏi cho các bạn trẻ, và sau đó ông cũng gợi mở luôn đáp án. Theo ông, người mua hàng sẽ luôn tìm hiểu nơi nào bán thứ họ cần để mua. “Vậy nếu bạn không gặp được người mua là lỗi của bạn chứ không phải người mua”, giáo sư nói.
Để thị trường mua và thị trường bán gặp nhau, giáo sư cho rằng tất nhiên cần có các nỗ lực cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần sự liên kết cộng đồng. Giáo sư khuyên các thanh niên khởi nghiệp ban đầu nên lập cộng đồng nho nhỏ, 5-10 người để cùng tìm thị trường. Ngày nay, có rất nhiều cách để người trẻ tìm kiếm thị trường, như qua báo chí, internet, tìm đến các cơ quan truyền thông, hội chợ… Để làm được điều này, họ cần học ngoại ngữ, cần tìm hiểu về công nghệ, nâng cao khả năng bản thân…
“Thế giới 8 tỷ người, cái gì cũng bán được nhưng cần tìm ra người cần đúng sản phẩm”, giáo sư nói. Theo ông cái khó không phải là việc tìm ra người mua là làm thế nào để sản xuất một sản phẩm đồng đều, đồng bộ từ năm này qua năm khác. Người mua không mua sầu riêng, mà là họ cần mua một quả sầu riêng với những yêu cầu cụ thể. Cũng như không phải cái áo nào họ cũng mua mà họ cần một cái áo phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể. Do đó chúng ta cần hiểu họ mua cái nào chính xác thì mới bán được sản phẩm.
Tóm tắt bài nói chuyện của giáo sư Phan Văn Trường, bà Phạm Thu Trang – Trường khối Hợp tác Phát triển & Các vấn đề doanh nghiệp, Văn phòng Ban IV nêu lại ba thông điệp cốt lõi mà giáo sư cũng như ban tổ chức tọa đàm muốn gửi gắm đến các bạn trẻ. Đầu tiên là giữ giá trị cốt lõi của bản thân, tìm được chỗ để phát huy giá trị của mình chứ không phải chạy theo câu chuyện của người khác. Thứ hai là phải bán được đúng sản phẩm cho đúng người. Thứ ba, muốn khởi nghiệp thành công phải không ngừng thay đổi, bởi nếu một ngày không cập nhật tin tức thì sẽ bị lạc hậu.
Tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời đại 4.0” là một phần của Diễn đàn khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long – Mekong Startup 2024. Diễn đàn có chuỗi hoạt động kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 năm nay, tổ chức bởi Tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo VnExpress. Chương trình có sự cố vấn chuyên môn của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV). Các hoạt động chính diễn ra trong hai ngày 15-16/11 với nhiều sự kiện: chung kết Tìm kiếm sáng kiến chuyển đổi xanh Mekong 2024; tọa đàm Kết nối – vươn xa, phiên toàn thể Kinh tế xanh – Động lực mới cho phát triển… Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Agribank là nhà tài trợ kim cương của diễn đàn Mekong Startup 2024.