Chúng tôi rất vui khi có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với GS. Phan Văn Trường, cố vấn của Chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế trong dịp ông tới Hà Nội công tác, bởi trong lịch trình dày đặc đến từng phút, ông vẫn dành cho chúng tôi một khoảng thời gian quý giá.
Có nhiều điều tôi nhận ra sau cuộc trò chuyện với vị giáo sư đáng kính, rằng dù bạn là ai, hãy cứ đối đãi với cộng đồng này, địa cầu này, bằng thái độ và tinh thần của một “công dân vũ trụ”.
Điều thứ hai, sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam, ngoài đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, còn là đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu; ngoài trách nhiệm giữ gìn nước Việt Nam tươi đẹp, tráng kiện, còn là trách nhiệm bảo vệ địa cầu chung của muôn loài. Điều đó không thể lạc nhịp khỏi vòng tròn năng lượng mạnh mẽ và đẹp đẽ mà vũ trụ đã tạo ra.
Nhưng trước hết, hãy là một công dân, mang trái tim nhân ái và tinh thần trách nhiệm với xã hội, trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu. Và dù bạn là ai, thì vẫn có thể đối đãi với cộng đồng này, địa cầu này, bằng thái độ và tinh thần của một doanh nhân xã hội.
“Khi đó Thế giới và Vũ trụ sẽ lại hài hòa, con người sẽ lại tìm được điều kiện để phát triển, chứ không chỉ tăng trưởng đơn thuần”, GS. Phan Văn Trường chia sẻ.
“Tôi ngồi đây để tạo ra một xã hội ân cần với nhau”
PV: Ông đã từng nói: “Thế giới được vận hành dựa trên những nguyên tắc mà nếu tuân thủ nó thì dù bạn là ai, bạn cũng có chỗ đứng”. Soi chiếu với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ông có bình luận và gợi mở gì?
GS. Phan Văn Trường: Cuộc chơi nào cũng có luật chơi mà nếu không tuân thủ, nghĩa là chúng ta không thuộc cộng đồng đó. Theo tinh thần tích cực là tuân thủ hết các điều khoản và có đóng góp vào luật chơi đó, chứ không chỉ rút tỉa điều mình cần. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ và cả những bạn không còn trẻ nữa, nói rằng họ chỉ tham gia để nhận chứ không biết cho đi cái gì. Nếu như vậy, chúng ta sẽ không khai thác được các cơ hội một cách đúng nghĩa.
Liệu có phải chúng ta nghèo quá nên không có gì để cho đi? Chúng ta nghèo vật chất, nhưng không nghèo văn hóa. Tôi chỉ có một lời khuyên, đi đâu cũng hãy cho hết mình, cống hiến hết mình cho cộng đồng chung là nhân loại trên trái đất này. Hãy hòa mình và trao đổi tối đa để hai bên cùng nhận được những giá trị mà tự mình chưa có hoặc không có.
Tôi đã dùng văn hóa Á Đông để quản trị một công ty nước ngoài, là tập đoàn đa quốc gia của Pháp. Toàn thể nhân viên rất vui khi lần đầu tiên, họ có sự dẫn dắt của một người Á Đông, bằng phương pháp rất Á Đông, đó là quản trị, tạo động lực bằng tình thương, sự kính trọng và những giá trị tâm linh. Tôi đã nói với họ rằng: “Tôi ngồi đây không phải để quản lý các bạn và để chỉ tạo ra lợi nhuận, tôi ở đây để tạo ra một xã hội ân cần với nhau”. Chúng ta làm việc với nhau 8 giờ mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn, thì trước hết hãy thương yêu nhau. Tôi vẫn nghĩ, chỉ khi sống trong tình thương, dù là với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, cấp trên, chúng ta mới thấy cuộc sống thoải mái và ý nghĩa.
Khi tôi chia sẻ và thực hành điều đó, kết quả rất bất ngờ là mọi người đều có động lực làm việc, vì họ cảm nhận được tình thương, sự trân trọng từ phía người chủ tịch tập đoàn là tôi. Đơn giản chỉ thế thôi!
Trong khi đó, tôi thấy những doanh nghiệp khác của Mỹ, Anh hay Pháp quản trị dựa trên những giá trị vật chất, thứ có thể đong đếm được và luôn sòng phẳng. Vậy thì điều mà người quản trị nhận được cũng rất sòng phẳng, nghĩa là công sức nhân viên bỏ ra và vật chất nhận lại phải tương đương. Vật chất là một động lực cống hiến, nhưng nếu chỉ như vậy, rất tiếc là họ đã bỏ qua một động lực rất lớn, là sức mạnh của giá trị tinh thần, của tình thương. Mà sức mạnh này to lớn và có giá trị hơn vật chất, nhất là trong những thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn.
Câu chuyện của GS. Phan Văn Trường khiến tôi nghĩ đến một doanh nhân, người mà những thăng trầm của cuộc đời ông đã nhẹ đi phần nào nhờ sự nâng đỡ của tinh thần, tình thương. Những năm 2015 - 2016, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức rơi vào khó khăn. Từ người giàu nhất sàn chứng khoán và có chuyên cơ riêng đầu tiên ở Việt Nam, bầu Đức trở thành người gánh khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai mất thanh khoản và có thời điểm, 8 tháng không có tiền trả lương cho nhân viên… Nhưng lúc bĩ cực nhất, vẫn không ai rời bỏ ông, ngoại trừ một số người rời đi vì lý do cá nhân. Điều gì giữ họ ở lại, nếu không phải là tình nghĩa và niềm tin một ngày Hoàng Anh Gia Lai sẽ lại vươn lên dưới sự dẫn dắt của người lãnh đạo họ yêu quý?
PV: Có thể thấy, văn hóa Á Đông của chúng ta hỗ trợ rất nhiều cho con người, doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển ra thế giới. Chúng ta không nên tự ti, mà hãy tự tin vào vẻ đẹp và sức mạnh của văn hóa Á Đông, để từ đó, biết phát huy và áp dụng những giá trị đó khi hội nhập quốc tế?
GS. Phan Văn Trường: Văn hóa không phải là tổng số kiến thức chúng ta đã học ở trường lớp hay đọc thuộc lòng trong các cuốn sách về văn hóa, truyền thống dân tộc, tính nhân văn hay những gì tương tự như vậy. Văn hóa là làm thế nào để người với người đối xử với nhau một cách nhân văn, truyền cho nhau tình thương và cho nhau cảm nhận chúng ta cùng là loài người. Có lẽ, đó là văn hóa ân cần, văn hóa bảo vệ và gìn giữ tài nguyên quý giá nhưng có giới hạn mà vũ trụ đã ban tặng. Địa cầu này không nhiều hơn những gì có sẵn, vậy nên, hãy khai thác, sử dụng tiết kiệm và tái tạo tài nguyên. Chúng ta sẽ đi sai đường nếu không tôn trọng văn hóa và những gì vũ trụ mang lại. Nền văn hóa nào trên địa cầu này cũng rất đẹp vì tiêu biểu cho một tư duy, phong cách sống truyền thống mà bất cứ dân tộc nào dù đông đảo hay thưa thớt cũng phải mất hàng vạn năm để xây dựng. Những khác biệt về văn hóa, phong cách cũng như nếp nghĩ, sự đa dạng về truyền thống, phong tục phải làm cho chúng ta tự hào rằng mình đã sáng suốt không chọn đi trên lộ trình của sự đồng hóa. Chẳng có gì để mặc cảm khi chúng ta khác biệt. Người Việt chúng ta biết yêu, biết nhận và trao trọn tình yêu nên sẽ tạo ra một mẫu công dân, hay doanh nhân toàn cầu phiên bản Việt đầy văn hóa, từ bi và trách nhiệm
PV: Ông nghĩ sao về xu hướng doanh nghiệp xã hội, doanh nhân xã hội hiện nay?
GS. Phan Văn Trường: Tôi có viết một cuốn sách là “Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ”; trong đó, tôi cho rằng chúng ta phải hành xử mỗi phút, mỗi giây như là một công dân vũ trụ. Vũ trụ đã cho chúng ta một địa cầu tuyệt vời, nếu chúng ta không hành xử đúng đắn như là công dân vũ trụ thì rất đáng tiếc. Có thể nền kinh tế nước ta chưa cho chúng ta cảm nhận được văn hóa phát triển doanh nghiệp xã hội; cho dù vẫn còn một bộ phận thiếu trách nhiệm, thì hiện thời tôi đã có thể thấy cao trào doanh nghiệp, doanh nhân xã hội rất tích cực khi mỗi doanh nhân, mỗi bạn trẻ khởi nghiệp đều nhận thức được việc không thể nào làm giàu bằng cách phá hoại trái đất này. Địa cầu này không thể tồn tại và hệ sinh thái của thế giới sẽ bị hủy hoại nếu con người cứ mù quáng, miệt mài lao vào khai thác khoáng sản, tài nguyên để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng. Chính vì thế, tinh thần doanh nhân xã hội không chỉ là một xu hướng, mà còn phải hiểu như là sự tự giác tu thân của mỗi người, cùng hướng đến mục tiêu tốt lành là làm cho thế giới đẹp hơn, nhân ái hơn, hiền hòa hơn, đạo đức hơn. Tôi có những người học trò khởi nghiệp từ cách đây 20 năm, cũng có người đến lúc giàu lên thì bắt đầu dừng lại và hưởng thụ, nhưng có những người bảo rằng, đến đây rồi họ mới tìm thấy đầy đủ công cụ để làm những điều tốt hơn cho xã hội hay để giúp đỡ những bạn trẻ khởi nghiệp phía sau, khiến tôi rất ngưỡng mộ. Những người muốn dừng lại cũng không có gì đáng trách, nhưng tôi nghĩ, mỗi chúng ta nên có bổn phận đóng góp xây dựng đất nước.
Bền vững chính là đi làm cái gì hợp lý nhất, đúng chức năng nhất”