Là cố vấn của Chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế, GS Phan Văn Trường được độc giả trong nước biết đến khi là tác giả của nhiều cuốn sách về quản trị, thương thuyết và kinh thương. Ngày 10-7, tại Nhà văn hóa Thanh Niên, ông vừa có buổi giao lưu và ra mắt cuốn sách mới Công dân toàn cầu - Công dân vũ trụ (NXB Trẻ).
Cuốn sách Công dân toàn cầu – Công dân vũ trụ gồm 10 chương. Khác với những cuốn sách trước đây của giáo sư Phan Văn Trường, thay vì chỉ dành cho giới doanh nhân, đối ngoại hoặc quản trị thì ở cuốn sách mới, chủ đề và đối tượng hướng tới rộng hơn khi được dành cho tất cả mọi. Bởi công dân toàn cầu – công dân vũ trụ sẽ là bước phát triển tất yếu của mỗi cá nhân trong tương lai, mỗi cá nhân đều có thể tìm thấy gợi ý từ quyển sách này để hoàn thiện chính mình.
Mỗi lần có GS Phan Văn Trường trên cương vị tác giả hay khách mời, bao giờ cũng nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo độc giả. Không riêng giới doanh nhân mà nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu mến ông cũng có mặt. Lần này, cuốn sách mới nhất của ông đề cập đến vấn đề đương đại là “công dân toàn cầu”, xa hơn nữa là “công dân vũ trụ”. Chính vì vậy, rất đông độc giả với đủ thành phần đối tượng tham gia.
Trong chiếc áo dài truyền thống đầy duyên dáng, GS Phan Văn Trường lôi cuốn người nghe bằng những câu chuyện, vấn đề thức thời, được truyền tải với phong thái đĩnh đạc nhưng vẫn gần gũi.
Theo GS Phan Văn Trường, làm công dân toàn cầu trước tiên phải là một công dân, trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu. Ông khẳng định: “Vũ trụ đã tạo ra chúng ta để yêu thương, biết yêu thương, để cho trọn tình yêu thương. Nội dung phải đi trước hình thức. Có chân dung của một con người quốc tế là chưa đủ, còn cần sự nhìn nhận tự thân rằng mình thuộc một cộng đồng con người mà vũ trụ đã tạo ra để mang một sứ mệnh, không ngừng xây dựng một xã hội văn minh hơn, nhân ái hơn, trong lành hơn”.
Ông cũng cho rằng, tinh thần “công dân toàn cầu” không thể là một xu thời, mà còn phải được hiểu như một sự tự giác tu thân, và “cuộc sống lý tưởng nhất là thuận tự nhiên”. Từ thời nguyên thủy, chúng ta đã sẵn là công dân vũ trụ.
Tại chương trình giao lưu, GS Phan Văn Trường nhiều lần đề cập đến mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ. Trong khi rất nhiều quốc gia trên thế giới không có hồ, nước, sông mà chỉ thuần sản xuất máy móc, thì Việt Nam lại được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều. Theo ông, chúng ta có những định kiến do truyền thống văn hóa của chúng ta tạo nên.
“Và bây giờ, tôi không nói là phải phá đi nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải xem lại một cách khôn khéo, làm thế nào để dân tộc của chúng ta “bênh vực” được vũ trụ mà lôi cuốn được cả thế giới đi theo chúng ta, cùng chúng ta “bênh vực” vũ trụ. Khi đó các bạn sẽ thấy các đất nước khác sẽ rất ganh tỵ với đất nước chúng ta”, GS Phan Văn Trường bày tỏ.
Có mặt tại chương trình, ông Dương Thành Truyền, nguyên Quyền Giám đốc NXB Trẻ cho rằng, có thể gọi GS Phan Văn Trường là một công dân toàn cầu, cũng có thể gọi là công dân vũ trụ nhưng thầy rất là Việt Nam. “Tôi nhớ cuốn sách đầu tiên của thầy là Một đời thương thuyết, thầy bắt đầu bằng bài ca dao về thằng Bờm. Tiến tới là Một đời quản trị cũng là những câu thơ rất Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ rằng, công dân toàn cầu, công dân vũ trụ có khi lại chính là công dân Việt Nam”, ông Truyền dí dỏm.
Khép lại chương trình giao lưu, GS Phan Văn Trường mong rằng, hệ sinh thái cấy nền sẽ giúp các bạn hiểu hơn và trải nghiệm hơn. Bởi theo ông: “Khi chúng ta làm việc cùng nhau với tinh thần hồn nhiên, tích cực, bình đẳng và thẳng thắn thì các bạn sẽ tìm được đúng hướng đi và châm ngôn để cùng phát triển”.