Ở tuổi gần 80, ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết, mắt sáng ngời, hóm hỉnh và thông thái, khi nói về hành trình của mình. Hành trình ấy miệt mài, chăm chỉ và không vụ lợi, với những khát khao từ trái tim.
Ông là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, được Tổng thống Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh năm 2007 – giáo sư Phan Văn Trường.
Phóng viên: Về ông, chỉ cần lên internet thì sẽ có rất nhiều thông tin. Nhưng, tôi vẫn muốn hỏi một câu rất cũ: Thưa ông, tại sao ông quyết định quay về?
Giáo sư Phan Văn Trường: Với tất cả chúng ta, hành trình của một con người đôi khi gói gọn trong mấy chữ mà tôi đã chọn để đặt tựa cho 1 cuốn sách của mình: Một đời như kẻ tìm đường.
Khi còn trẻ, chúng ta tìm đường đi ra, để học hỏi, để lao động, để tìm kiếm những giá trị chân thực nhất. Rồi sau khi làm được điều gì đó ở những năm tuổi trẻ, tôi dường như thấy vẫn có điều gì đó chưa đủ với những mong mỏi thầm kín trong lòng. Tôi lại lần đường mà đi. Tôi về nước để góp tay với xã hội, với đồng hương.
* Và thế là Cấy nền được ra đời từ đó?
– Phải đi ngược lại thời gian một chút để trả lời cho lý do ra đời của cộng đồng Cấy nền. Với tôi, không dân tộc nào lại thông minh, chăm chỉ, hiếu học như dân tộc Việt. Nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa “cất cánh” được? Tôi nhận ra sự mất kết nối giữa những người trẻ, thậm chí là giữa các lứa tuổi khác nữa, nên chúng ta ít có sự hưởng thụ lẫn nhau đối với các nền tảng tri thức. Tôi thấy đó chính là điều đáng lo nhất. Một giá trị không được trao truyền thì không còn ý nghĩa là giá trị.
Vì thế, tháng 5/2019, Cấy nền ra đời, được vận hành trên nguyên tắc bình đẳng, hồn nhiên, thẳng thắn và tích cực. Đây chính là một hệ sinh thái giúp các bạn có một “mái nhà ảo” để cùng nhau thảo luận, chia sẻ các câu chuyện về khởi nghiệp, thương thuyết, quản trị, kiến tạo phong cách công dân toàn cầu, tư duy tạo hệ sinh thái cùng phát triển… Nhưng trên hết, đó là truyền cho nhau tinh thần “yêu thương, trí tuệ và nội lực”.
* Nhưng phải hiểu thế nào cho đúng về hệ sinh thái Cấy nền - sân chơi được cộng đồng doanh nhân khắp cả nước hồ hởi đón chào và gia nhập?
– Hiện tại, hệ sinh thái Cấy nền có hơn 27.000 thành viên trên cả nước, được chia thành các loại hình hoạt động khác nhau dựa trên tính tương hỗ của các thành viên, từ du lịch đến luật pháp, truyền thông tiếp thị, trồng cây… Cấy nền không phục vụ Cấy nền mà phục vụ sự phát triển của đất nước. Nói một cách khác, Cấy nền không có chiến lược cho bản thân, mỗi thành viên học và kết nối trong Cấy nền là để phục vụ đất nước tốt hơn.
Cấy nền thực ra không phải là một tổ chức, không có quỹ, không có luôn thủ quỹ hay ủy viên… cũng không có một địa chỉ ở đâu cả. Đó hoàn toàn là một chủ thể rất “ảo” và khi bạn vừa nói chuyện với tôi là bạn đã tham gia Cấy nền rồi đó. Và vì thế, Cấy nền rốt cục cũng không do ai sở hữu. Khi toàn xã hội đã đi tới trạng thái trao đổi những giá trị cho nhau thì Cấy nền sẽ tự khuất…
Rất nhiều người hỏi tôi về chi phí tham gia. Nó rất ít, chỉ là tiền sinh hoạt cá nhân (ăn uống, lưu trú và di chuyển). Bản thân tôi không nhận bất cứ chi phí nào cả.
* Thông điệp của Cấy nền khá khác biệt, chúng ta hướng đến điều gì sau thông điệp này, thưa ông?
– Bản thân tôi gây dựng Cấy nền chỉ để góp một phần những gì mình đã trải nghiệm đến các thế hệ trẻ. Các bạn tự rèn luyện để có được một phong cách sống tự tại, đạo đức; cho đi và biết cho đúng, nhận về và biết nhận đúng. Đặc biệt là không vịn ai, xin ai.
Mỗi thành viên là một hạt giống, sẽ cấy thêm xung quanh mình niềm hạnh phúc của sự tự tại, để rồi chúng ta cùng nhau lan tỏa mà vẫn giữ được sự tập trung.
Tôi vẫn luôn nói với các bạn trẻ mỗi khi có cơ hội gặp, hãy luôn ý thức cao về vị trí bình đẳng của mỗi chúng ta trong xã hội toàn cầu. Đừng bao giờ lấy thước đo của đồng tiền để tự cho mình vai vế, đó là thái độ ngu xuẩn nhất.
* Cụ thể hơn, theo ông, điều kiện nào để có thể là công dân toàn cầu trong nhịp sống hội nhập hiện nay?
– Trong một buổi nói chuyện với các em học sinh, tôi từng nói rằng: “Ngay khi các con mỗi ngày cúi xuống nhặt một cọng rác, một tờ giấy rơi bừa bãi, ngay lúc đó các con đã là công dân toàn cầu”. Thoạt đầu nghe có vẻ nực cười, nhưng nguyên tắc đầu tiên mà một công dân toàn cầu phải học là biết yêu thương trái đất, yêu thương nơi mình và các bạn đang sống. Bởi mỗi người chỉ cần vứt một tờ giấy, trái đất sẽ sớm trở thành một trái… rác.
Tiếp theo chính là trang bị cho mình tri thức, bởi có tri thức chúng ta mới ý thức được mình chính là mình, chỉ cần là mình, không bị mặc cảm nước nhỏ, không cần phải liên tục nhắc nhở mình là người Việt Nam. Thông thường, chúng ta hay bị mắc một lỗi chung khi ra nước ngoài là mặc cảm mình nhỏ bé, dễ bị bắt nạt, lo sợ sự khác biệt của bản thân sẽ là rào cản cho việc hội nhập. Quá nhiều nỗi sợ khiến chúng ta khó nhanh chóng hội nhập với các nền tảng đa dạng khác về văn hóa. Có nền tảng tri thức khiến chúng ta lịch thiệp, trang trọng và mọi khoảng cách sẽ tự nó biến đi.
Thế nên, trước khi hỏi điều kiện gì để trở thành công dân toàn cầu, hãy tự soi rọi mình, và cứ tự tại nhìn mọi cuộc ra đi với cái nhìn chủ quan của mình.
* Ông khát khao trao tặng cho thế hệ trẻ Việt kiến thức, kinh nghiệm, thưa ông, đó có thể được xem là cuộc chuyển giao thế hệ?
– Tất cả những trải nghiệm đã qua trong đời cho tôi một kết luận, vạn sự trên trái đất này đều vận hành theo một quy luật nào đó, nếu bạn tuân thủ các quy luật đó, bạn luôn có sự thành công nhất định. Nên bản thân tôi cũng tuân theo quy luật cuộc đời, học tập – cho đi – học tập – lại cho đi… và mọi thứ với tôi như một sự tiếp nối. Tôi chưa bao giờ cho phép mình dừng học tập, mỗi ngày tôi đều đặn thức dậy sớm và tự học. Sự tự học đã cho tôi nhiều thứ, cả sự minh mẫn trí tuệ để làm việc không ngừng nghỉ. Vì vậy, điều tôi muốn trao gửi cho thế hệ sau vẫn là sự học tập sáng tạo không ngừng. Có nhiều người hỏi vui tôi là tôi có thấy mình già không, già sao được khi sự tự học không mang thời gian tính và sự say sưa làm việc thì vốn không có tuổi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.