Chờ trong giây lát...
Hệ sinh thái Cấy Nền

Hệ sinh thái Cấy Nền:
Dựa trên 4 giá trị cốt lõi: Bình Đẳng – Hồn Nhiên – Thẳng Thắn – Tích Cực, Cấy Nền được khởi xướng bởi Giáo sư Phan Văn Trường từ tháng 05.2019, là một hệ sinh thái kết nối và tương hỗ lẫn nhau trên các khía cạnh: Nông nghiệp, Du lịch, Giáo dục, Y tế, Pháp lý, Tài chính, Farmstay, Truyền thông, Coaching, Nghệ thuật,...
Điện thoại:
093 642 60 93

Giáo sư Phan Văn Trường ra sách ‘Không có sông quá dài’

/
/
Giáo sư Phan Văn Trường trong buổi ra mắt sách "Không có sông quá dài". Ông từng là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990, cũng như giữ vị trí quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn lớn. Ảnh: Ngạn Bình

Tại buổi ra mắt "Không có sông quá dài", giáo sư Phan Văn Trường nêu góc nhìn về quá trình khởi nghiệp và thành công của người trẻ. Ở tuổi 77, giáo sư cho biết luôn giữ nhiệt huyết với các hoạt động khuyến học, truyền "lửa" cho thế hệ trẻ. Ngày 4/11, tại Nhà văn hóa Thanh Niên, TP HCM, ông cùng các đồng tác giả ra mắt sách mới, nêu chiêm nghiệm về quá trình khởi nghiệp, đúc kết bài học, câu chuyện có thật từ thành công lẫn thất bại của doanh nhân. "Con sông nào rồi cũng ra biển lớn, đó là hình ảnh diễn tả hành trình thực chất mà vũ trụ ban cho mỗi người. Bạn hãy tự tin, sớm muộn rồi bạn cũng thành công. Nhưng hãy để cho thời gian rèn giũa nên con người của bạn trước khi bạn ra biển. Việc này cần chờ đợi. Học đức tính kiên trì là một cuộc đầu tư dài hạn cho cả cuộc đời", giáo sư Phan Văn Trường nói.

Cuốn sách "Không có sông quá dài" do NXB Trẻ phát hành. Ảnh: NXB Trẻ

Tên sách mang một thông điệp: Khởi nghiệp là một quá trình gian khó, nhưng không có dòng sông nào là quá dài đến mức con người không thể vượt qua. Phần một của ấn phẩm gồm những bài học kinh nghiệm của giáo sư Trường - người từng là chuyên gia trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, tác giả của Một đời thương thuyết, Một đời như kẻ tìm đường, Một đời quản trị, Công dân toàn cầu công dân vũ trụ, Cơn lốc quản trị - ba trụ cột của văn hóa doanh nghiệp. Phần hai là 27 câu chuyện về trải nghiệm khởi nghiệp của những người thuộc nhiều ngành nghề. Có xuất phát điểm và mục đích khác nhau, song, họ đều chung mong muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân. Tựu trung, không có một công thức hay mô hình cụ thể nào có thể áp dụng cho mọi trường hợp, điều quan trọng là mỗi người giữ cho mình đức tính ham học hỏi và tư duy nhạy bén.

Hiểu đúng các khái niệm cũng là điểm quan trọng trước khi một người muốn khởi nghiệp. Ở một số nơi, khái niệm "khởi nghiệp" thường được hiểu với thái độ ngao ngán, tiêu cực, khó để thành công. Nhưng thật ra, khởi nghiệp có thể hiểu đơn giản là sự lập nghiệp của mỗi người, ai rồi cũng cần tự lập và tạo ra giá trị cho xã hội. Mỗi người làm một nghề, đóng một vai trong xã hội, phát triển sở trường, nâng cao sở đoản, trong một tinh thần đùm bọc nhau.

"Các bạn đừng đi tìm kiếm nhiều, hãy thực tiễn. Nhìn xã hội sống làm sao mình mới thấy xã hội cần điều gì. Rồi cứ làm một cách đơn giản, tốt nhất có thể, với tất cả tình yêu của các bạn, các bạn sẽ thấy cuộc sống sao dễ thế, khởi nghiệp sao dễ thế", tác giả nêu quan điểm.

Làm sao để lập nghiệp và nên lập nghiệp như thế nào, thành công đến sớm hay muộn, là những vấn đề được một số độc giả quan tâm ở buổi ra mắt sách. Các tác giả cho rằng những hiểu lầm thường thấy trong khởi nghiệp như thiếu thực tế, quá vội vàng hay "thành công là phải lên sàn chứng khoán" có thể khiến người trẻ gặp nhiều khó khăn.

"Tôi thường gặp các bạn trẻ muốn đi nhanh, rất nhanh. Nhưng nếu thế thì cuộc sống sẽ không còn lý thú. Chúng ta phải đi chậm hơn. Đừng bao giờ tham gia diễu binh mà đi nhanh hơn những người trong đoàn quân. Đừng quên rằng trong một thế giới tám tỷ người, người nào cũng phải làm việc và người nào cuối cùng cũng thành công. Người thành công chậm nhất có thể là do người đó đi quá nhanh hoặc quá chậm. Mình cứ đi theo xã hội thì xã hội sẽ có chỗ cho mình", ông Phan Văn Trường nhận định.