Chờ trong giây lát...
Hệ sinh thái Cấy Nền

Hệ sinh thái Cấy Nền:
Dựa trên 4 giá trị cốt lõi: Bình Đẳng – Hồn Nhiên – Thẳng Thắn – Tích Cực, Cấy Nền được khởi xướng bởi Giáo sư Phan Văn Trường từ tháng 05.2019, là một hệ sinh thái kết nối và tương hỗ lẫn nhau trên các khía cạnh: Nông nghiệp, Du lịch, Giáo dục, Y tế, Pháp lý, Tài chính, Farmstay, Truyền thông, Coaching, Nghệ thuật,...
Điện thoại:
093 642 60 93

Giáo sư Phan Văn Trường – Cố Vấn Chính Phủ Pháp Về Thương Mại Quốc Tế – Đừng e sợ tiếng Việt sẽ đi vào sự lu mờ

/
/

Theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030, và lấy ngày 8/9 hàng năm chính thức là Ngày tôn vinh tiếng Việt. Đề án nhằm tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, tôn vinh, lan tỏa vẻ đẹp và giá trị của Tiếng Việt; đồng thời, góp phần nâng cao lòng tự hào và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Dưới đây là những chia sẻ của Giáo sư Phan Văn Trường về Ngày Tôn vinh Tiếng Việt.

BẮT ĐẦU TỪ NGÀY 08/09/2022 SẼ ĐƯỢC CHỌN LÀM NGÀY TÔN VINH TIẾNG VIỆT CHO CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VN Ở NƯỚC NGOÀI. Ý KIẾN CỦA ÔNG VỀ NGÀY NÀY?

Tất nhiên điều mà mỗi công dân Việt Nam đều mong mỏi là tiếng Việt của tất cả chúng ta được tôn vinh muôn đời, được thực hành trên mỗi câu, mọi lúc mọi nơi, thậm chí có nhiều người nước ngoài học và yêu tiếng Việt (đã có nhiều nhưng chưa phổ biến rộng rãi).

Tiếng Việt là một ngôn ngữ của một dân tộc mang văn hoá rất cao, bằng chứng là từ khi chữ Quốc Ngữ được la- tinh hoá, chỉ vỏn vẹn một thời gian ngắn trong lịch sử, dân tộc ta đã cho ra đời biết bao tác phẩm được viết bằng “chữ mới” này. Chúng ta đã có đủ văn hóa và trình độ để làm cho “chữ mới” trở thành “chữ của ta” chỉ trong một thời gian tương đối ngắn. Nói rõ hơn, ít dân tộc nào có khả năng huyền diệu này. Bao nhiêu sách thi văn, nghị luận, triết lý, bao nhiêu áng văn chương, bài báo bình luận đã xuất hiện trong một thời gian ngắn kỷ lục. Điều này làm cho tôi tự hào. Tự hào vì tài sản ngôn ngữ, nhưng cũng tự hào về khả năng dân tộc Việt thuần hoá mọi chất liệu văn hoá. Đây là dấu ấn của một dân tộc thực sự hùng mạnh.

Chọn một ngày để vinh danh ngôn ngữ của dân tộc thì quá tốt. Nhưng đừng e sợ tiếng Việt sẽ đi vào sự lu mờ. Mỗi công dân nước Việt yêu tiếng Việt, tự bảo vệ tiếng Việt, học hỏi và làm cho tiếng Việt phong phú hơn, màu sắc hơn, âm điệu hơn, nhịp nhàng hơn là đủ. Và tôi tin chắc là mỗi người Việt đang làm như thế mỗi giờ.

Giáo sư Phan Văn Trường - Cố Vấn Chính Phủ Pháp Về Thương Mại Quốc Tế - Đừng e sợ tiếng Việt sẽ đi vào sự lu mờ

ĐƯỢC BIẾT, ÔNG ĐÃ SỐNG VÀ LÀM VIỆC Ở PHÁP RẤT NHIỀU NĂM, TỪNG ĐƯỢC TRAO TẶNG HUÂN CHƯƠNG BẮC ĐẨU BỘI TINH CỦA PHÁP, NHỜ CÔNG LAO ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC PHÁT TRIỂN NƯỚC PHÁP; SONG TẠI VIỆT NAM, ÔNG CŨNG ĐƯỢC CHỦ TỊCH NƯỚC TRAO TẶNG HUÂN CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC”. ÔNG VUI LÒNG CHIA SẺ THÊM VỀ ĐIỀU NÀY?

Thực ra, các huân chương chỉ là sự nhìn nhận đơn thuần những đóng góp đã qua. Quan trọng là những đóng góp trước mắt còn phải tăng thêm, tăng thêm mãi. Điều bất ngờ là tuy tuổi cao, nay tôi vẫn nhiệt tình trong việc tạo giá trị cho các thế hệ theo sau. Các em trẻ rất thông minh, năng động, đáng yêu, rất khát khao tạo giá trị cho bản thân và đóng góp vào suối giá trị cho đất nước. Có gì là không tự nhiên nếu tôi tham gia vào cái suối mát và trù phú đó. Tôi tin chắc là có nhiều người đang cùng làm điều tương tự.

Tôi đã chọn kể lại hành trình cuộc đời của mình. Đó là những sự ngu ngốc của mình, những lựa chọn sai lầm, những thất bại ê chề, nhưng trong số đó cũng có những thành tích làm cho chính mình ngạc nhiên. Tôi đã viết những cuốn sách mà các em trẻ đã chiếu cố, thậm chí gối đầu giường, tôi muốn nói những cẩm nang không mang tính thời gian. Thật bất ngờ là tình yêu đối với thế hệ trẻ đã giúp đáng kể để tôi có được động lực cần thiết học lại tiếng Việt – mà nửa thế kỷ ở nước ngoài đã làm cho tôi quên nhiều, nhất là mất khả năng sử dụng. Và điều làm cho tôi vui tíu tít, là có khá nhiều bạn giáo sư đồng nghiệp nói với tôi rằng: chính tôi đã tạo lại cho họ một khối ngữ vựng cũ đẹp, để ngày nay họ sử dụng thông thường. Những chữ như “nội lực”, “trù phú” nay đã được sử dụng rộng rãi trở lại, mà cách đây chỉ 5 năm ít người sử dụng. Thậm chí tôi còn chế ra chữ “Cấy Nền” – một từ ngữ chưa bao giờ có trong tiếng Việt, nhưng nay đã trở thành thông thường và mang ý nghĩa làm việc trong sáng, đạo đức, hồn nhiên, thẳng thắn, tích cực và nhất là bình đẳng. Hiện nay, có khá nhiều doanh nghiệp, các trường học mời tôi đến để giúp họ cấy nền, tức tái tạo lại sự hồn nhiên, đạo đức, mong rằng các ưu điểm đó sẽ mang lại động lực, sự nhiệt tình, tư duy tráng kiện. Đây là những phần thưởng mà tôi chẳng bao giờ dám hằng mong.

Giáo sư Phan Văn Trường - Cố Vấn Chính Phủ Pháp Về Thương Mại Quốc Tế - Đừng e sợ tiếng Việt sẽ đi vào sự lu mờ

THEO ÔNG, CẦN LÀM GÌ ĐỂ GIỚI TRẺ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI VÀ CẢ TRONG NƯỚC TỰ HÀO VỀ TIẾNG VIỆT?

Các thế hệ đi trước có một bổn phận rất lớn. Họ chỉ cần chính họ tự hào về tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt, thậm chí làm văn thơ bằng tiếng Việt là tiếng Việt sẽ sống màu sắc và âm nhạc vẹn toàn. Thậm chí còn phát triển như một ngôn ngữ năng động và trong sáng để truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

Mỗi người Việt Nam đều là một thi sĩ, một diễn viên hài, một người biết tự chế diễu cái xấu. Đây là dấu ấn của một dân tộc với văn hoá “chơi chữ”, mang cái tục làm cái đẹp, mang cái xấu làm vật giáo dục,… mà tất cả trong một không khí nhẹ nhàng, thoải mái. Có dân tộc nào được như chúng ta không? Tiếng Pháp là ngôn ngữ duy nhất mà sự chơi chữ phong phú như chúng ta, nhưng Pháp ngữ không có các dấu nhạc như sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Chúng ta thì có.

Ông Francisco de Pina và ông Alexandre de Rhodes (2 vị giáo sĩ châu Âu đã chế ra cách viết mới của tiếng Việt) đều nhìn nhận rằng, tiếng Việt là duy nhất mang cá tính âm nhạc kỳ lạ như vậy. Chẳng phải là một sự ngẫu nhiên mà lịch sử chữ Quốc ngữ của chúng ta có liên hệ với những người này.


Cám ơn những chia sẻ của ông.