Chờ trong giây lát...
Hệ sinh thái Cấy Nền

Hệ sinh thái Cấy Nền:
Dựa trên 4 giá trị cốt lõi: Bình Đẳng – Hồn Nhiên – Thẳng Thắn – Tích Cực, Cấy Nền được khởi xướng bởi Giáo sư Phan Văn Trường từ tháng 05.2019, là một hệ sinh thái kết nối và tương hỗ lẫn nhau trên các khía cạnh: Nông nghiệp, Du lịch, Giáo dục, Y tế, Pháp lý, Tài chính, Farmstay, Truyền thông, Coaching, Nghệ thuật,...
Điện thoại:
093 642 60 93

“Ông tiên” của người khởi nghiệp

/
/
"Ông tiên" của người khởi nghiệp

Là cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, nhiều năm làm lãnh đạo doanh nghiệp quy mô toàn cầu, tham gia giảng dạy ở các trường đại học danh tiếng, GS. Phan Văn Trường được các bạn trẻ gọi với cái tên rất gần gũi: thầy Trường.

Ở tuổi 77, phần lớn những người ở độ tuổi này sẽ chọn nghỉ ngơi dưỡng già, nhưng GS. Phan Văn Trường lại chọn tiếp tục cống hiến. Ông hiện là cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hòa Pháp về thương mại quốc tế, một công việc được ông đảm nhiệm từ thập niên 1990.

 

Đặc biệt, từ năm 2019, GS. Phan Văn Trường thành lập “Cấy nền”, một hệ sinh thái với chuỗi các khoá học hoàn toàn miễn phí, hướng thanh niên khởi nghiệp và giải quyết những khó khăn nghề nghiệp và đời sống.

 

Trong cuộc gặp gỡ và trò chuyện với PV. VietNamNet, GS. Phan Văn Trường đã có những chia sẻ thẳng thắn về con đường khởi nghiệp cho người trẻ, cũng như về hướng phát triển bền vững cho Việt Nam.

 

Những năm gần đây, ông thường xuyên về nước để truyền lửa cho giới trẻ khởi nghiệp. Ông từng trăn trở về việc các bạn trẻ khởi nghiệp thường mắc phải một số sai sót không đáng có. Do vậy, ông muốn  tư vấn cho người khởi nghiệp.

 

“Tôi không nói là có thể giúp họ thành công, nhưng ít nhất cũng giúp họ tránh được những rủi ro không đáng có. Đó là những gì tôi đang hỗ trợ các bạn trẻ. Chỉ là việc nhỏ thôi chứ không có gì to tát cả”, GS. Phan Văn Trường nói.

 

Theo quan sát của ông, các bạn trẻ khi khởi nghiệp thường chú trọng nhiều vào sản phẩm, nhưng lại không quan tâm đến hiện đại hoá sản phẩm. Trong khi bất cứ một sản phẩm nào ra đời chỉ 6 tháng sau đã mất đi tính hiện đại.

 

Bên cạnh đó, các bạn trẻ Việt Nam khi khởi nghiệp thường có điểm yếu trong việc tìm tài trợ; không phân biệt được giữa đầu tư và chi phí.

 

“Khi đầu tư mình phải tính đến tiền trở về, trong khi nhiều bạn trẻ xem như chi phí rồi thiếu tiền, nên không biết kêu gọi đầu tư như thế nào. Bất cứ nơi nào có những dự án đem lại lợi nhuận cao thì luôn có tiền nhàn rỗi sẵn sàng vào cuộc đầu tư. Vấn đề là mình phải thuyết phục được nhà đầu tư về khả năng lợi nhuận, cũng như giá trị tích cực dự án đem lại cho xã hội. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng các bạn trẻ không nhìn ra”, GS. Phan Văn Trường nói.

"Ông tiên" của người khởi nghiệp

Chia sẻ về Cấy nền, tâm huyết lớn nhất của ông hiện tại, GS. Phan Văn Trường khẳng định đây là một hệ sinh thái chứ không phải là một hội, một tổ chức. Ở đó, bất kỳ ai cũng có thể tự do vào – ra nếu muốn.

 

“Tôi nói kỹ với các thành viên rằng chúng ta không phát triển Cấy nền, chúng ta đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Cấy nền chỉ giúp cho các bạn có được tinh thần làm việc và hướng đi cũng như phong cách đúng đắn mà thôi. Thành ra, Cấy nền không là gì nhiều, chỉ là chiếc xe dẫn tới thành công.”

 

Cũng chính vì “không là gì” nên mọi người tìm đến với Cấy nền theo cách tự nhiên nhất. Vì tất cả cảm nhận được không khí mà 4 tiêu chí Cấy nền theo đuổi: Bình đẳng – Hồn nhiên – Thẳng thắn – Tích cực.

 

GS. Phan Văn Trường từng nhiều lần nhấn mạnh Cấy nền không có sếp, cũng không có quỹ, cũng chẳng có văn phòng. Khi mọi người tổ chức họp mặt, kinh phí sẽ chia đều cho tất cả, kể cả ông cũng phải trả chi phí cho buổi đó. Ngoài những giá trị nhận về, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tham gia chính là yếu tố phi lợi nhuận.

 

“Cấy nền chỉ bàn duy nhất một chủ đề là khởi nghiệp, những vấn đề của khởi nghiệp và việc làm, và phải là vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Chẳng hạn như không nên làm gì miễn cưỡng, không nên làm gì trái với đạo đức, không được trái với pháp luật”, GS. Phan Văn Trường nói.

"Ông tiên" của người khởi nghiệp

Điều khiến GS. Phan Văn Trường luôn trăn trở, Việt Nam là đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi về cảnh vật cũng như có nhiều sản vật phong phú, thế nhưng lại chưa biết khai thác hiệu quả những thế mạnh này. Đặc biệt là nông sản, người nông dân quá phụ thuộc vào thương lái. Một khi bị thương lái ép giá, họ thường không có thêm lựa chọn.

 

“Có lẽ nông dân Việt cũng cần phải học bán hàng, học ngoại ngữ để chủ động tìm đầu mối mua hàng ở nước ngoài, để không còn bị thương lái chi phối rồi lại nhận phần thiệt thòi về mình.”

 

Theo GS. Trường, vấn đề là chúng ta chưa giúp được cho nông dân như mong muốn, nhưng cũng không hiểu hết để tập trung vào những chức năng mà đất nước có. Cần nhìn từ góc độ của vũ trụ, vai trò, chức năng của dân tộc ta là như thế nào.

"Ông tiên" của người khởi nghiệp

“Thiên nhiên đã quá ưu đãi cho đất nước chúng ta cả về rừng, biển, sông, núi. Chúng ta lại có sự đa dạng về văn hoá với 54 dân tộc anh em, chúng ta có những làng nghề vô cùng ấn tượng. Rõ ràng đất nước chúng ta có chức năng làm du lịch, thế mà bao nhiêu năm nay chưa khai thác hiệu quả thế mạnh từ du lịch.

 

Chúng ta để cho những người làm du lịch cạnh tranh đôi khi dẫn đến tự triệt tiêu nhau. Chúng ta không khiến cho du khách yêu đất nước ta, văn hóa ta, đồng bào ta. Như vậy, dù có đẹp đến mấy nhưng du khách sang Việt Nam cũng sẽ một đi không trở lại. Theo tôi đã tổ chức du lịch là phải tích hợp hoá cả một nền du lịch để trở thành một vòng tròn năng lượng nuôi dưỡng cho du lịch.”

 

GS. Phan Văn Trường gợi ý Việt Nam cần mạnh dạn áp dụng chính sách về du lịch giống như vương quốc Bhutan. Có thể chỉ cần áp dụng cho một vài vùng miền có những điều kiện đặc cách, để du khách thấy được rằng họ có được sự may mắn khi đến vùng đất đó.

"Ông tiên" của người khởi nghiệp

Phải đến năm 69 tuổi, GS. Trường mới bắt đầu viết sách, nhưng ngay lập tức cuốn sách đầu tay “Một đời thương thuyết” của ông giành giải “Sách hay năm 2016” do Viện IRED và Quỹ Phan Chu Trinh tổ chức. Đây là một bất ngờ đối với chính ông, một Việt kiều mới học lại tiếng Việt.

 

Đó cũng là động lực để ông viết tiếp 2 cuốn sách sau đó là “Một đời quản trị” và “Một đời như kẻ tìm đường”. Cả 3 cuốn sách này được ông gọi là bộ sách “kết tinh một đời”.

 

Một đời thương thuyết là sách của những kỹ năng, tạo sự thông cảm giữa người với người để đi tới những thoả thuận có lợi cho đôi bên. Một đời quản trị là sách của những nguyên lý, là nơi để duyệt lại những yếu tố tạo nên một tập thể vững mạnh với động lực, hiệu năng tối đa.

 

Trong khi đó, Một đời như kẻ tìm đường nghiêng hẳn về triết lý sống, do một người yêu đời, yêu người, yêu hạnh phúc, và nhất là yêu dân tộc một cách thật giản dị viết.

Sau bộ 3 cuốn sách kết tinh một đời, tác giả Phan Văn Trường viết tiếp cuốn “Công dân toàn cầu – Công dân vũ trụ”. Gần đây nhất, ông là đồng tác giả viết cuốn “Không có đỉnh quá cao”, cuốn sách viết cùng 25 tác giả, đều là những người sinh hoạt trong hệ sinh thái Cấy nền. Cuốn sách này kể về quá trình trưởng thành của chính các tác giả. Từ đó, độc giả học hỏi được những kinh nghiệm của những người đi trước.

 

GS. Phan Văn Trường viết sách không phải vì tiền. Ông tặng toàn bộ nhuận bút cũng như tác quyền của những cuốn sách ông viết cho Quỹ hỗ trợ giáo dục Lê Mộng Đào, một quỹ xã hội của Tập đoàn Xây dựng và Địa ốc Hoà Bình giúp đỡ sinh viên nghèo vượt khó.

 

GS. Trường chia sẻ, ông không có tư duy lấy tiền trong những việc mình làm. Kể từ khi về hưu đến nay, ông làm bất cứ việc gì cũng miễn phí. Từ làm diễn giả hội thảo, giảng dạy trong các trường đại học, cho đến nay làm Cấy nền hay viết sách.

 

“Khi mình không lấy tiền, lời nói của mình có sự rung động của người có lửa nhiệt huyết. Khi mình đụng vào, dù chỉ một đồng thì cái lửa ấy sẽ mất hết. Đó là lý do vì sao tôi rất muốn thật sự ‘tráng kiện’ trong việc này. Không lấy tiền thì mình mới truyền được cảm hứng”, GS Phan Văn Trường nói.

"Ông tiên" của người khởi nghiệp

Tới đây, GS. Phan Văn Trường tiếp tục ra mắt hai cuốn sách “Không có sông quá dài” (tiếp theo của Không có đỉnh quá cao) và cuốn “Cơn lốc văn hoá trong doanh nghiệp”.

“Không có sông quá dài” nói về khởi nghiệp, là chia sẻ của 26 nhà khởi nghiệp nói về những thất bại và thành công của họ. Đây đều là những người làm thật, thành công thật.

“Cơn lốc văn hoá trong doanh nghiệp” chỉ nói về văn hoá doanh nghiệp, trong đó giải thích với 3 văn hoá trong doanh nghiệp, chỉ cần áp dụng doanh nghiệp nào cũng có thể lên hàng đầu. Đây có thể coi là tập hai của “Một đời quản trị”.

"Ông tiên" của người khởi nghiệp